Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Những mẫu điện thoại hơn 1.000 USD liệu có đáng tiền?

Nhiều mẫu điện thoại cao cấp hiện nay có giá bán trên dưới 1.000 USD, nhưng liệu các tính năng mà chúng sở hữu có xứng đáng với số tiền người dùng bỏ ra?

Các mẫu điện thoại cao cấp gần đây như iPhone X hay Samsung Galaxy Note 8 đều sở hữu mức giá ngất ngưởng (hơn 1.000 USD). Tuy nhiên, khi xét đến những điểm dưới đây, mức giá 1.000 USD sẽ trở nên hoàn toàn hợp lý.

Mọi mức giá đều có lý do

Những mẫu điện thoại hơn 1.000 USD liệu có đáng tiền?Những mẫu điện thoại cao cấp ngày nay đều có giá trên 1.000 USD. Ảnh: Masable

Từ trước đến nay, các mẫu điện thoại tiên tiến với những tính năng mới chưa bao giờ có mức giá rẻ. Khi so sánh với các mẫu điện thoại cao cấp trong quá khứ như BlackBerry 8900, Sony Ericsson K800i hay iPhone Original thì mức giá này vẫn hợp lý.

Điển hình nhất là iPhone Original trong lần đầu tiên ra mắt có giá bán lên đến 399 USD và 599 USD cho 2 phiên bản 4 GB, 8 GB. Sau nhiều lần lạm phát, một chiếc điện thoại cao cấp có mức giá 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) cũng không có gì lạ.

Cảm giác sang trọng khi sử dụng

Những mẫu điện thoại hiện nay đã quá bão hòa với thiết kế viền kim loại. Chính vì vậy mà vẻ ngoài mới mẻ của iPhone X hay Galaxy Note 8 đem đến cho người dùng cảm giác hoàn toàn khác biệt và sang trọng. Chúng phần nào gợi nhớ lại hình ảnh của mẫu iPhone 4 trong lần đầu ra mắt.

Không chỉ có sự đột phá, thiết kế của iPhone X hoặc Galaxy Note 8 còn đạt độ tỉ mỉ cao và tinh tế. Cảm giác chúng mang lại cho người dùng giống như đeo chiếc đồng hồ sang trọng hoặc lái siêu xe. Tất nhiên, chúng đem lại cảm giác “mắc tiền” khi sử dụng và khiến người dùng phải trân trọng nhiều hơn.

Những mẫu điện thoại hơn 1.000 USD liệu có đáng tiền?Chúng mang lại cảm giác sang trọng cho người dùng. Ảnh: MasableĐi đầu về công nghệ

Một điểm khác biệt nữa là sự đi trước về công nghệ. Lý do mà thị trường điện thoại trở nên nhàm chán thời gian gần đây là vì những công nghệ tiên tiến có thể tích hợp vào các mẫu smartphone giá rẻ quá nhanh. Nhưng đó vốn là cách mà công nghệ hoạt động, một nhà sản xuất tung ra tính năng mới thì chỉ cần qua đêm chúng đã có mặt ở khắp nơi.

Tuy nhiên, những mẫu điện thoại giá rẻ sẽ không thể mang lại các công nghệ mới với chất lượng ổn định như của iPhone X hay Note 8. Màn hình OLED hoặc cảm biến nhận diện khuôn mặt là những sản phẩm độc quyền mà không phải nhà phát triển nhỏ nào cũng có thể dễ dàng làm theo trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, người dùng còn được sở hữu các cụm camera kép có chất lượng ảnh chụp hay quay phim không thua kém gì so với những máy DSLR. Các tính năng được tích hợp trong những mẫu điện thoại này không chỉ tốt mà còn vượt xa thiết bị tầm trung.

Những mẫu điện thoại hơn 1.000 USD liệu có đáng tiền?Các mẫu điện thoại mới luôn đi đầu về công nghệ. Ảnh: MasableSự tiện lợi tuyệt đối

Điện thoại ngày này không chỉ dùng để nghe gọi mà còn là thiết bị vô cùng quan trọng. Trong phân lớn trường hợp, người dùng sẽ muốn mang theo điện thoại nhỏ gọn nhiều hơn máy ảnh to nặng.

Mặt khác, với sự tỉ mỉ trong thiết kế, những mẫu điện thoại cao cấp vừa sở hữu màn hình lớn lại có thể sử dụng gọn gàng bằng một tay. Đặc biệt với Galaxy Note 8, người dùng sẽ không thể bỏ qua sự tiện lợi và hữu dụng của S-Pen.

Nhìn chung, các mẫu điện thoại giá rẻ hiện nay vẫn có thể mang lại những tính năng như trên. Nhưng chắc chắn chúng sẽ không tạo được trải nghiệm sánh bằng iPhone X hay Galaxy Note 8.

Tất nhiên, ngoài những điều đã nói ở trên, Samsung hay Apple còn tích hợp vài tính năng nhỏ nhưng rất thông minh mà phải trải nghiệm sâu, người dùng mới có thể nhận ra sự khác biệt rõ rệt.

Theo Gia Minh (Tri Thức Trực Tuyến)

Mark Zuckerberg thắng, nhưng chưa đủ thuyết phục

Zuckerberg đã giúp giá trị của Facebook tăng thêm 26 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp sau hai phiên điều trần.

Theo BBC, tại Facebook, không chỉ có một mà hai CEO. CEO thứ nhất là Mark Zuckerberg - một người thuộc thế hệ 8x, mặc áo phông, quần jean, từng bỏ học đại học. Ông là một kỹ sư, một chuyên gia công nghệ tạo nên mạng kết nối có thể nói là lớn nhất trong lịch sử nhân loại. 

Thứ hai là Mark Sorryberg - một kẻ độc tài công nghệ, mặc bộ vest không vừa vặn, xuất hiện ở Washington và bị chỉ trích từ việc can thiệp vào bầu cử, giết chết sự dân chủ, thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan cho đến việc không đóng đủ tiền thuế.

Gọi là Sorryberg bởi suốt 14 năm qua, "sorry" (xin lỗi) dường như từ dễ nhất được thốt ra từ người đứng đầu Facebook. Năm 2006, khi giới thiệu News Feed khiến người dùng tức giận, "Sorryberg" viết trên blog: "Chúng tôi đã mắc sai lầm lớn. Tôi xin lỗi". Năm 2007, khi công cụ Beacon cho phép nhà quảng cáo theo dõi hoạt động của người dùng, thông điệp cũ lại xuất hiện trên blog: "Chúng tôi đã làm điều tồi tệ. Tôi xin lỗi".

Và cứ thế, năm này qua năm khác, những lời xin lỗi lặp lại nhiều hơn, như khi Mark Sorryberg trả lời CNN vài ngày sau khi bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui: "Chúng tôi đã sai. Tôi thực sự hối tiếc về những gì đã xảy ra".

Với lời lẽ như thế, Sorryberg tới Washington để đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của mạng xã hội. Tại đây, hai câu "Tôi xin lỗi" và "Chúng tôi đang xử lý" vẫn liên tục được nhắc lại từ miệng CEO 33 tuổi. 

Mark Zuckerberg thắng, nhưng chưa đủ thuyết phụcẢnh: EPA/BBC.

Sau gần 10 giờ chất vấn tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, Facebook lại còn giàu hơn cả khi hai cuộc điều trần chưa diễn ra. Facebook đang thắng, dù chỉ mang tính tạm thời.

Mô hình chất vấn lần này đã không thành công. Thời gian cho mỗi Thượng nghị sĩ dài không quá 5 phút và Hạ nghị sĩ không quá 4 phút. Vì thế, đây đơn thuần là một cuộc hỏi đáp, chứ không phải chất vấn bởi bạn không thể gây sức ép, xoáy sâu vào vấn đề trong thời gian ngắn như vậy.

Phiên điều trần tại Hạ viện căng thẳng hơn, nhưng vẫn không thực sự gay cấn như mong đợi bởi nhiều câu hỏi cần thiết chưa được đưa ra, chưa đánh được vào điểm yếu của Mark Zuckerberg. Chẳng hạn, chính Zuckerberg đã đề cập đến việc dữ liệu mà giảng viên Kogan thu thập không chỉ được bán cho Cambridge Analytica mà còn cho một số bên khác. Nhưng ông không nói rõ là bên nào và cách thức ra sao. Đáng lẽ, ông cũng phải bị ép trả lời đến cùng việc lấy lại những dữ liệu đã rơi vào tay kẻ xấu khó như thế nào...

Người xem cũng có thể thấy được sự vụng về, lúng túng của Zuckerberg trong lần đầu tiên ra điều trần. Cà vạt được thắt lỏng, những câu trả lời ngập ngừng và điệu cười căng thẳng không toát lên được sự quyền lực của người đứng đầu "đế chế" 2 tỷ thành viên.

Nhưng ông cũng duy trì được sự điềm tĩnh và lịch thiệp, nhờ đó lấy lại được niềm tin cho các nhà đầu tư và giá trị công ty tăng 6%, tương đương 26 tỷ USD, cũng như mang lại cho Zuckerberg thêm 3 tỷ USD.

Tuần này không phải là thảm hoạ đối với mạng xã hội lớn nhất thế giới như nhiều người mong muốn. Trong khi đó, các nghị sĩ đã bỏ lỡ cơ hội làm rõ những vấn đề của Facebook, như Chủ tịch Ủy ban Thương mại Hạ viện Greg Walden từng nói trước đó là: "Cuộc điều trần là dịp quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng, cũng như giúp người Mỹ hiểu rõ hơn chuyện gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng".

Nhà hoạt động chính trị Zephyr Teachout chia sẻ trên Guardian: "Đáng ra chúng ta phải đối xử với anh ta (Zuckerberg) như một mối nguy đối với dân chủ và yêu cầu các thượng nghị sĩ tiến hành một cuộc điều trần thật sự".

Theo BBC, Mark Sorryberg đã ghi bàn trước các nghị sĩ Mỹ dù lẽ ra, họ phải thắng dễ dàng. Nhưng nếu đến nước Anh, ông sẽ không có một hành trình dễ chịu như hai ngày qua.

Theo Minh Minh (VnExpress.net)

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Facebook đã gỡ 159 tài khoản nói xấu lãnh đạo

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói Google và Facebook bước đầu đã có hợp tác tích cực với Việt Nam.

Sáng 22/12, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, trong số các điểm nhấn của ngành năm qua, có việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong tăng cường quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nổi bật là hai mạng xã hội lớn của Google và Facebook.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Facebook đã gỡ 159 tài khoản nói xấu lãnh đạoBộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Võ Hải.

"Google và Facebook bước đầu đã hợp tác tích cực với phía Việt Nam. Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video theo yêu cầu của Bộ; Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước", Bộ trưởng Tuấn nói.

Theo ông, các vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện. Cùng với đó, Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới; một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.

“Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Hiện tượng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng về số lượng”, ông Tuấn thông tin.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2018, Bộ  sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng internet; giảm thiểu tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc...

“Tới đây Bộ sẽ có cuộc làm việc với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp viễn thông nhằm xử lý thông tin xấu độc trên mạng; nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội”, Bộ trưởng Tuấn cho hay.

Không có cơ chế đặc thù trong quy hoạch báo chí

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, thành phố đã hoàn thiện đề án quy hoạch báo chí và đang xin ý kiến các cơ quan liên quan, trong đó đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

Theo bà Tú, với 23 cơ quan báo chí, tổng số trên 1.500 lao động, xuất bản 22 ấn phẩm chính và 12 ấn phẩm phụ, Hà Nội là một trong hai trung tâm báo chí lớn nhất toàn quốc.

Phản hồi ý kiến của đại diện thành phố Hà Nội, Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, định hướng quy hoạch báo chí đã được Trung ương thông qua, đến nay không có gì thay đổi, "nghĩa là không có cơ chế đặc thù như Hà Nội đề xuất".

Cũng theo ông Phúc, việc 3 cơ quan báo chí thuộc sở nhập vào một cơ quan báo chí như Hà Nội đề xuất, là chưa phù hợp với quy hoạch vì cấp sở sẽ không còn cơ quan báo chí. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Facebook đã gỡ 159 tài khoản nói xấu lãnh đạoPhóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: AN.

Ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho hay trên địa bàn có 38 cơ quan báo chí, gần 650 trang tin điện tử và 142 cơ quan đại diện của các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương. Thời gian qua, thành phố gặp một số khó khăn nhất định khi thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đặc biệt với văn phòng đại diện các cơ quan báo chí.

Ông Đức cho rằng, hiện thông tin điện tử có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng thông tin xã hội. Do đó, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đề nghị được Bộ hỗ trợ, phân quyền nhiều hơn để chủ động trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Facebook đã gỡ 159 tài khoản nói xấu lãnh đạoPhó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị tổng kết Bộ Thông tin Truyền thông sáng 22/12. Ảnh: Võ Hải.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải làm thật tốt công tác quản lý báo chí, để các báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và năng động nhất, đưa đến giá trị tốt cho xã hội. 

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải gương mẫu trong quy hoạch các cơ quan báo chí thuộc Bộ và các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ

Theo Võ Hải (VnExpress.net)

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

Không cần đến máy ảnh DSLR đắt tiền, bạn vẫn có thể tạo ra những kiệt tác ảnh chỉ với chiếc điện thoại quen thuộc của mình nếu biết các ứng dụng sau đây.

Bài viết lược dịch từ trang The life scenes, chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh trên điện thoại di động với những ứng dụng xử lý ảnh độc đáo:

Tôi rất đam mê máy ảnh DSLR, nhưng để chụp ảnh thường xuyên thì tôi lại dùng máy ảnh trên điện thoại di động vì có thể chụp được mọi lúc, mọi nơi. Điều này cũng dễ hiểu tại sao ảnh chụp bằng smartphone hiện nay lại phổ biến đến vậy.

Tôi phát hiện có vài cây sồi rất đẹp ở gần nhà. Mỗi mùa khác nhau, mỗi thời tiết khác nhau, trông chúng lại có những vẻ đẹp riêng. Nhưng để bắt được những khoảnh khắc ấy với chiếc máy ảnh 5000 USD thì thật sự không cần thiết. Vì tôi biết vài thủ thuật chụp ảnh rất hay ho chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh của mình.

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

Với loại ảnh này, không cần biết loại camera như thế nào. Chỉ cần điện thoại có chức năng chụp ảnh thuộc loại khá một chút, có cảm hứng, dành chút thời gian, là bạn đã có những bức ảnh tuyệt vời rồi.

Để có những bức ảnh đẹp, cũng cần có chút thẩm mĩ, hiểu biết cơ bản về ánh sáng và bố cục. Nếu chụp quen dần, bạn có thể biến những bức ảnh của mình trở nên sống động với bất kỳ thiết bị nào.

Trong bài viết này, tôi sẽ mách bạn vài ứng dụng chụp ảnh ưa thích của mình, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những bạn có đam mê với chụp ảnh trên di động.

1. Camera+ (iOS)

Ứng dụng này cho phép bạn kiểm soát các điểm cần lấy nét. Đây là chìa khóa cho những bức ảnh đẹp. Có những tính năng đa dạng khác cho bạn sử dụng như lấy nét chọn lọc, cân bằng sáng hoặc khóa sáng. 

 

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

Tôi thường sử dụng Camera+ nhiều nhất, nhưng thật tiếc, ứng dụng này không hỗ trợ trên hệ điều hành Android. 

2. ProShot (iOS, Android)

Ứng dụng này hỗ trợ cả chỉnh ảnh tự động và thủ công mà trên Camera+ không có. Nó tương thích với các hệ điều hành phổ biến (thậm chí cả trên hệ điều hành Windows).

Với ProShot, bạn có thể toàn quyền điều chỉnh phơi sáng, độ nhạy sáng ISO hay tốc độ màn trập. Quan trọng nhất là bạn có thể lấy nét và cân bằng sáng tập trung như trên Camera+.

 

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

3. Snapseed (iOS, Android)

Ứng dụng này cần thiết cho cả người dùng iOS và Android và chuyên dụng cho xử lý ảnh. Giao diện trên snapseed khá đơn giản, có nhiều tùy chỉnh thú vị cho ứng dụng này như phối cảnh, phơi sáng kép, ngược sáng,...nhưng tùy chỉnh yêu thích của tôi là cài đặt phơi sáng và tương phản tập trung.

Nó cho phép bạn xử lý ảnh phơi sáng từ tương phản đến bão hòa cho từng phần trong bức ảnh. Các hiệu ứng khác như HDR Scape (cho phép ảnh phơi sáng nhiều lần), Grunge (viền chi tiết góc cạnh và ảnh chồng chéo nhau) hay Retro (ảnh chụp cổ điển) cũng rất tuyệt vời.

4. Wordswag (iOS, Android)

Nếu bạn đang tìm kiếm ứng dụng chụp ảnh có thể tạo văn bản trên ảnh một cách độc đáo, Wordswag sẽ giúp bạn xử lý đồ họa chuyên nghiệp chỉ trong vài giây.

 

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

5. Hipstamatic (iOS)

Ứng dụng này có thể tạo ra những bức ảnh phong cách cổ điển chuyên nghiệp. Bạn có thể lựa chọn loại ống kính, bộ lọc và flash trước khi thay đổi và không thể thay đổi sau khi chụp.

6. Retro Camera (Android)

Với ứng dụng này, bạn có thể tạo ra những bức ảnh cổ điển tương tự trên Hipstamatic với 5 loại camera, 5 loại màu cổ điển, chế độ phim xước hay các xử lý chéo. 

 

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

7. Prisma (iOS, Android)

Prisma biến đổi hình ảnh của bạn thành tác phẩm nghệ thuật bằng cách sử dụng phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng: Munk, Picasso. Các chế độ cài đặt sẵn giúp người dùng ít phải chỉnh sửa thủ công.  

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

8. Diana (iOS, Android)

Đây là ứng dụng cho phép phơi sáng kép chỉ trong vài giây. Bạn có thể lựa chọn vài bức ảnh cụ thể để kết hợp, hoặc Diana sẽ giúp bạn lựa chọn ngẫu nhiên. Nếu có ý tưởng sẵn thì việc phối ảnh sẽ rất nhanh chóng và hiệu quả, Nhưng nếu bạn chưa có ý tưởng, đôi khi Diana cũng giúp bạn thành công. 

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

9. Waterlogue ( iOS, Windows)

Tạo ra những bức ảnh theo phong cách tranh màu nước với nhiều tùy chỉnh đa dạng. 

9 ứng dụng chụp ảnh không thể bỏ qua cho người dùng smartphone

Kết luận

Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên di động cho phép bạn sáng tạo hơn, đôi khi còn hỗ trợ bạn trong việc xử lý hình ảnh từ máy ảnh DSLR. Bạn có thể kết hợp nhiều ứng dụng để tạo ra những bức ảnh sinh động và mang phong cách riếng của mình. Hãy thử và cho tôi biết ứng dụng nào khiến bạn cảm thấy hài lòng nhất? 

Theo Hoàng Thu (Tri Thức Trực Tuyến)

Những mẫu điện thoại hơn 1.000 USD liệu có đáng tiền?

Nhiều mẫu điện thoại cao cấp hiện nay có giá bán trên dưới 1.000 USD, nhưng liệu các tính năng mà chúng sở hữu có xứng đáng với số tiền ngườ...